TIP & TRICK

“New Alphabet” - Font chữ thích nghi với công nghệ hiển thị âm cực (CRT), dù không “dễ đọc”

“New Alphabet” - kiểu chữ lập trình được thiết kế bởi Wim Crouwel, phát hành vào năm 1967, nó chấp nhận những hạn chế của công nghệ hiển thị và được thiết kế bằng cách chỉ sử dụng các nét ngang và dọc.

Chiếc màn hình máy tính đầu tiên, sử dụng công nghệ màn hình ống tia âm cực (CRT), tạo ra hình ảnh với các pixel kích thước khá lớn, làm cho việc hiển thị các nét cong và uốn lượn của font chữ truyền thống trở nên không khả thi.

Thay vì điều chỉnh công nghệ để đáp ứng yêu cầu của kiểu chữ truyền thống, Crouwel đã lựa chọn điều chỉnh thiết kế của mình để làm cho nó tương thích với các công nghệ hiển thị.

Vì thiết kế mặt chữ của "New Alphabet" chỉ chứa các nét ngang và dọc nên nó tạo ra nhiều ký tự có hình dạng phi truyền thống.

Một số ký tự thậm chí dễ gây nhầm lẫn như:

  • "J", "K" trông giống "T"

  • "số 1" trông giống "số 7"

  • "số 8" trông giống "H"

Các ký tự có 3 đường ngang như "E" và "số 3" được thể hiện rõ ràng, trong khi những ký tự có 3 đường dọc trở lên như "M" và "W" được biểu thị bằng "N" và "V" có thêm gạch chân.

Chữ in hoa thì có thêm gạch ngang phía trên,để phân biệt với chữ thường. 

Dự án nhận được nhiều thảo luận từ cả giới chuyên môn và công chúng, rất nhiều đồng nghiệp của Crouwel cho rằng thiết kế của ông là phi thực tế vì nó mang tính thể nghiệm quá cao, tạo ra một font chữ không dùng "để đọc".

Tuy nhiên, vào năm 1988, Peter Saville Associates đã sử dụng một phiên bản cách điệu của font chữ này trên bìa album Substance của ban nhạc Joy Division.

“New Alphabet” đã được số hóa để sử dụng vào năm 1997 bởi Freda Sack và David Quay từ The Foundry, dựa trên các nghiên cứu gốc của Crouwel.